Ngày nay, vẽ tranh trên quạt đã trở thành một thể loại nghệ
thuật riêng biệt, mang nét văn hóa Á Đông; giúp cho người xem không chỉ cảm nhận
được sắc màu, mà còn có thể thưởng ngoạn được cả hương vị, góp phần làm cho cuộc
sống thêm đẹp, thêm vui.
So với các thể loại tranh khác như: sơn dầu, sơn mài, tranh
thêu tay, tranh ghép đá…thì kỹ thuật làm tranh quạt có phần đơn giản hơn.
Về chật liệu: nan quạt được làm từ cây tre và tùy theo kích
cỡ lớn hay nhỏ, mỗi chiếc quạt sẽ có từ 14 hoặc 16 thanh nan. Sau hi từ cây tre
được vót thành những thanh nan, với các giai đoạn xử lý như: Uốn nắn qua lửa,
ngâm thuốc diệt mối mọt… Cuối cùng từng thanh nan sẽ được phủ một lớp sơn mài
màu đen( hoặc màu nâu) , tùy theo sở thích của khách hàng. Người làm tranh quạt,
đa phần dựa trên nền các chất liệu vải lụa tơ tằm, vải xoa hoặc gấm để vẽ. Và, để vẽ được hình trong tranh quạt,
người họa sĩ thường sử dụng sơn dầu, màu acrylic hay hay bột màu nước. Những
tranh được vẽ bằng sơn dầu thường có giá trị cao hơn. Song, những tranh vẽ bằng
bột màu nước , có thể đem giặt bằng xà-bong khi bị bụi bẩn . Thao tác vẽ tranh
quạt gồm 3 lớp chính :
-Lớp 1 : Phác
thảo khung cảnh, sự vật …
- Lớp 2: Vẽ
phông nền
- Lớp 3: Vẽ chi
tiết hoàn chỉnh
Công đoạn cuối cùng là căng bức tranh đã vẽ hoàn chỉnh lên
nan, vừa dán keo vừa vuốt để tạo mặt phẳng cho quạt.
Tính hấp dẫn của tranh quạt là đẹp , lạ mắt , cảnh trí phong
phú, mang đậm dấu ấn Việt Nam . Có thể thấy ,đề tài trên tranh quạt được các họa
sĩ thể hiện khá đa dạng như : Phong cảnh quê hương đất nước tươi đẹp trải dài
khắp ba miền Bắc – Trung – Nam ; đề tài về chúc tụng , lễ hội trong dịp tết cổ
truyền với những hình ảnh của rồng , phượng , mai vàng , đào thắm, các trò chơi
dân gian… đề tài về tình yêu đôi lứa và hạnh phúc gia đình; đề tài về tôn giáo…
Chính sự đa dạng trong đề tài thể hiện khiến cho tranh quạt
trở nên sống động, đem lại điều thú vị cho người thưởng lãm .Thông qua ngôn ngữ
hội họa , tranh quạt còn là một góc nhìn nhận sự phức hợp trong cuộc sống hiện
đại, như một sự tổng hòa của những ảnh hưởng truyền thống và đương đại; được thể
hiện qua các đề tài, giúp cho mọi người hiểu biết hơn về cuộc sống, đất nước và
con người Việt Nam trong nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của 54 dân tộc anh
em.
Đặt biệt, những bức tranh quạt vẽ về đề tài thiên nhiên đất
nước; những bức tranh tái hiện chân thực phần nào đời sống xã hội ngày xưa, giờ
chỉ còn trong ký ức hoài niệm, luôn là món quà vô giá, đối với những người con
đất Việt xa xứ, mỗi độ xuân về.
Từ vài năm trở lại đây, nghề sản xuất tranh quạt có phần chững
lại, do mặt hàng thủ công vẽ bằng tay của chúng ta rất khó cạnh tranh với mặt hàng cùng chủng loại của Trung Quốc, Thái
Lan…được sản xuất từ công nghệ in ấn. Hơn nữa, chi phí cho việc sản xuất hàng thủ
công khá cao, dẫn đến thị trường tranh quạt Việt Nam đang ngày một thu hẹp, khiến
cho nhiều nghệ nhân phải bỏ nghề.
Vẻ đẹp bình dị, mộc mạc chân quê ẩn chứa hồn dân tộc trên từng
bức tranh quạt, vẫn luôn gây nhiều cảm xúc cho người xem. Và, cho dù cuộc sống hôm
nay của những nghệ nhân làm tranh quạt vẫn còn nhiều đạm bạc; nhưng, nếu hiểu,
mùa xuân tượng trưng cho mọi sự tốt lành với bao điều ước vọng, thì mùa xuân
luôn ở trong lòng những nghệ nhân giàu mơ ước, nghị lực và sáng tạo. Họ luôn vững
tin ở cuộc sống, ngày ngày miệt mài, thầm lặng tạo ra những tác phẩm đẹp để
dâng cho cuộc đời, để nghề truyền thống mãi sống với thời gian…
NGỌC HÂN- LÊ THỤY AN
Nguồn: Tạp chí truyền hình BTV số tháng 4 năm 2005.